HƯỚNG DẪN LỰA CHỌN VÀ BẢO QUẢN THỰC PHẨM AN TOÀN SỨC KHỎE
Nguyễn Thị Hà
Thứ Năm,
10/03/2022
Để có một sức khỏe tốt, chúng ta cần có chế độ ăn uống phù hợp về dinh dưỡng, đồng thời thức ăn và đồ uống phải bảo đảm vệ sinh và an toàn. Làm được điều này không khó, điều quan trọng là biết cách lựa chọn sản phẩm. Vậy làm thế nào để chọn được sản phẩm an toàn?
Hakochan Hakochan xin chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn và bảo quản thực phẩm an toàn cho sức khỏe, mọi người cùng tham khảo nhé!
I. LỰA CHỌN THỰC PHẨM BAO GÓI SẴN
Hiện nay, thực phẩm bao gói sẵn đã trở thành một trong những lựa chọn trong thực đơn của người tiêu dùng, để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần nắm vững những tiêu chí sau:
1. Kiểm tra nhãn hàng hóa (thường gọi là nhãn) với đầy đủ các nội dung sau:
+ Tên thực phẩm
+ Tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm về hàng hoá.
+ Thành phần cấu tạo
+ Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu
+ Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản
+ Hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng
+ Định lượng của thực phẩm
+ Xuất xứ của hàng hoá
+ Nhãn phụ bằng tiếng Việt- nếu là hàng nhập khẩu.
Lưu ý:
- Chỉ chọn các thực phẩm còn hạn sử dụng.
- Cần có thêm thông tin về các phụ gia thực phẩm thường được sử dụng như chất bảo quản, phẩm màu.
- Người tiêu dùng cần lưu ý đọc kỹ thông tin thành phần trên nhãn thực phẩm để tránh nếu có khả năng dị ứng với một hoặc nhiều thành phần trong thực phẩm.
- Sản phẩm phải được bảo quản ở điều kiện phù hợp với yêu cầu của nhà sản xuất, ví dụ sản phẩm thịt, thủy sản đông lạnh phải để trong tủ lạnh đông, sữa và sản phẩm từ sữa phải được bảo quản trong tủ lạnh ở 2 – 5 độ C, sản phẩm đóng gói sẵn từ ngũ cốc được bảo quản nơi khô mát ở nhiệt độ phòng…
2.Địa điểm mua hàng
- Các cửa hàng có uy tín; Cơ sở kinh doanh có đầy đủ hồ sơ, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa;
- Nơi bán hàng có đầy đủ dụng cụ bảo quản thực phẩm.
- Nơi trưng bày hàng hóa thoáng, mát, không bụi bẩn…
3. Không nên mua
- Ở những cửa hàng, quán hàng bụi, bẩn, ẩm ướt, nóng, nắng.
- Ở những nơi bày bán lẫn lộn tạp chất, hoá chất, sản phẩm có mùi như xà phòng, bột giặt, mỹ phẩm…
- Không mua sản phẩm được yêu cầu bảo quản mát hoặc lạnh mà cơ sở không có phương tiện bảo quản mát, lạnh hoặc nơi bày bán dưới nắng, nóng... Đối với thực phẩm đông lạnh, không mua khi sản phẩm không thấy lạnh, hoặc đã bị mềm do không đủ nhiệt độ lạnh để bảo quản hoặc thấy mầu sắc khác thường hoặc lớp lông tơ trên bề mặt sản phẩm (có thể bị nhiễm nấm).
4. Bảo quản:
- Bảo quản sản phẩm theo yêu cầu của nhà sản xuất ghi trên nhãn mác của sản phẩm bao gói sẵn.
II. LỰA CHỌN THỰC PHẨM TƯƠI SỐNG
1. Thịt gia súc tươi (thịt bò, thịt heo)
- Có dấu kiểm soát giết mổ, tem kiểm tra vệ sinh thú y của cơ quan chức năng;
- Màng ngoài của lát thịt khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm;
- Lớp mỡ có màu sắc sáng, khô, độ rắn, mùi vị bình thường.
- Sờ, nắm khối thịt có cảm giác rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết bị lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính.
- Tủy bám chặt vào thành xương, màu trong, đàn hồi. Khi luộc, nấu cho mầu nước canh trong, mùi thơm của thịt, trên mặt có nổi một lớp mỡ vết to.
2.Thịt gia cầm đã làm sẵn
- Có dấu kiểm soát giết mổ cơ quan chức năng;
- Không có vết bầm tím, da màu vàng nhạt, vết cắt tiết da co lại.
3.Chọn Cá
Cá có vẩy sáng, mắt sáng, mang đỏ tươi, bụng cá thon nhỏ, thịt chắc, độ đàn hồi tốt.
4. Bảo quản
Khi mua về phải được sơ chế, rửa bằng nước sạch, để ráo nước, định lượng ra khối nhỏ vừa đủ dùng, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm hoặc hộp kín và bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh hoặc tủ cấp đông.
III. LỰA CHỌN RAU, CỦ, QUẢ
1.Nơi mua hàng
- Các cửa hàng có uy tín; Cơ sở kinh doanh có đầy đủ hồ sơ, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa;
- Các cửa hàng được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn;
- Nơi bán hàng có đầy đủ dụng cụ bảo quản thực phẩm
- Nếu mua ở chợ: chọn các quầy hàng có tên người bán hàng; số lô kinh doanh; quầy hàng sạch sẽ, có đầy đủ dụng cụ kê đựng rau, củ, quả cách xa mặt đất; không bày bán dưới nền đất, gần sát các quầy bán thịt, cá tươi sống.
- Chọn sản phẩm có nguồn gốc từ các đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau, quả an toàn hoặc giấy chứng nhận VietGAP (giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn GAP khác).
2.Cách chọn một số loại rau, củ, quả
Tiêu chí chung: Chọn thực phẩm tươi mới, không bị dập nát, Có màu sắc tự nhiên của rau quả, không có mùi lạ.
- Đối với rau ăn lá: Không nên chọn những bó rau có màu xanh quá đậm, quá mướt, lá bóng mà nên chọn màu xanh nhạt, cây rau có vẻ bình thường.
- Rau ăn ngọn (rau lang, rau muống, đọt bầu bí): Không nên mua những bó rau có ngọn vươn ra quá dài; nếu mua về không sử dụng liền để ngày hôm sau ngọn rau sẽ vươn ra thêm một đoạn từ 5 – 10 cm.
- Rau cải (cải xanh, cải thảo...): Khi mua nên bẻ ngang phần gốc, nếu thấy có nước từ thân tiết ra thì rau cải đã bị bón quá nhiều phân đạm, không đảm bảo thời gian cách ly, hàm lượng Nitrat trong rau còn rất cao. Nếu để quá 12 giờ thì dễ bị úng nâu đen, không nên mua.
- Rau muống: Không nên mua những bó rau có cọng to hơn bình thường, rau giòn, lá màu xanh đen, nhìn nghiêng mặt trên của lá rau rất bóng và mướt. Khi nước luộc rau này nguội, nước sẽ biến thành màu xanh đen; khi ăn, nếu tinh ý ta nhận thấy có vị chát.
- Rau bí (ngọn và lá của cây bí ngô): Không nên mua bó rau có ngọn dài, khoảng cách giữa các lóng xa nhau (ngọn vươn dài), tay cuống mập và ngắn, ít lông tơ, ngọn bí màu xanh nhạt, lá màu xanh đen...
- Rau cần: Khi thấy thân rau to, ngó rau trắng ngần, rau nhanh bị héo thì không nên mua. Nếu để đến ngày hôm sau thì rau héo úa, thân khô tóp lại nhăn nheo, khi xào nấu lá rau biến màu xanh đen.
- Các loại quả đậu (gồm đậu đũa, đậu cô ve, đậu Hà lan, đậu ván...): Không nên chọn những trái khi nhìn trái bóng nhẫy, ít lông tơ...
- Đối với củ quả: Không nên chọn những trái quá lớn khác biệt so với bình thường, nên chọn những trái có kích thước vừa phải hoặc hơi nhỏ. Không chọn những trái da căng và có vết nứt dọc theo thân, những trái da xanh bóng.
- Đối với quả: Núm cuống còn tươi,cảnh giác loại quá “mập”, “phổng phao”; không dính hóa chất bảo vệ thực vật; khi cắt ra hoặc khi gọt vỏ không có sự biến màu giữa lớp vỏ và thịt quả...
3.Bảo quản rau, củ, quả
Khi mua về phải được sơ chế, để ráo nước, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm và bảo quản ở ngăn mát của tủ lạnh hoặc nơi thoáng, mát.
- Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân và gia đình, hãy trở thành một người tiêu dùng thông minh khi lựa chọn thực phẩm.
IV: CÁCH CHỌN ĐỒ HỘP
Nhóm thực phẩm đóng hộp hiện nay cũng khá phổ biến và được nhiều người nội trợ tin dùng, vì vậy cần lưu ý một số thông tin chung để chọn đồ hộp an toàn như sau:
- Hạn sử dụng của các loại đồ hộp thường khá dài, ví dụ các loại đồ hộp có acid thấp như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, sản phẩm ngũ cốc, khoai tây đóng hộ có hạn dùng 2 – 5 năm; các loại sản phẩm từ cà chua, nước rau quả ép, các loại dưa muối có hạn sử dụng 12 – 18 tháng.
Lưu ý chọn các sản phẩm còn hạn sử dụng.
- Nên chọn loại hai nắp hộp bị lõm vào, gõ có tiếng kêu đanh. Không chọn và sử dụng các loại sản phẩm đóng hộp nếu có các hiện tượng sau:
- Hộp bị phồng ra ở nắp hoặc các vị trí khác, nếu có hiện tượng đó thì sản phẩm bên trong đã bị vi sinh vật phân hủy làm hỏng và sinh ra khí.
- Bao gói đồ hộp bị hở hoặc rò rỉ, bị móp hoặc biến dạng do va đập mạnh
- Đồ hộp khi mở ra có mùi hôi, mùi lạ khác với mùi đặc trưng của sản phẩm
Các loại thực phẩm khác không nên lựa chọn và sử dụng:
- Thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là các loại ngũ cốc, hạt có dầu như đậu, lạc khi mốc có thể chứa độc tố vi nấm như aflatoxin gây ung thư gan.
- Rau, củ, quả có mùi lạ của hóa chất bảo vệ thực vật; thịt, thủy hải sản có mùi lạ của thuốc thú y.
- Các loại phụ gia thực phẩm như chất bảo quản, phẩm màu, đường hóa học đóng gói không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc.
- Mỗi chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái, tuyên truyền trong cộng đồng loại bỏ ngay các mặt không đảm bảo VSATTP.